Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Tài nguyên học tập mở (Open Educational Resources, OER): Đôi lời phi lộ

OER, tạm dịch sang tiếng Việt là tài nguyên học tập mở, là một phong trào toàn cầu bắt đầu từ đầu thế kỷ 21 này. Theo wikipedia (tiếng Anh), "tài nguyên học tập mở là những tài liệu dưới dạng sách in hoặc tài liệu đa truyền thông (multimedia) mà mọi người có thể tiếp cận, định dạng và cấp phép sử dụng, nhằm sử dụng để phục vụ việc giảng dạy, học tập, giáo dục, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu". Phong trào OER này bắt đầu vào khoảng chuyển giao thế kỷ (cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21), bắt đầu từ Hoa Kỳ và các nước nói tiếng Anh, rồi nhanh chóng lan rộng đến châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, đến nay đã được hơn một thập niên, và sản phẩm của nó (chủ yếu bằng tiếng Anh) thì phải nói là nhiều vô số kể. Có thể nói, hiện nay bất cứ ai biết tiếng Anh, có ham muốn và có sự kiên trì thì cũng có thể tự học bất cứ cái gì từ các nguồn tài nguyên học tập mở này.

(Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Open_educational_resources)

Ở VN, tôi nhớ khoảng những năm đầu của thế kỷ 21 nhà nước cũng đã có những động thái nhằm hỗ trợ và cổ động cho phong trào này. Thậm chí, lúc ấy tôi còn nhớ có một đề án tin học hóa rất lớn là đề án 112, nghe rất hoành tráng nhưng vì ... VN là VN nên chỉ được vài năm thì đã phát hiện ra đủ thứ sai phạm và đề án phải ngưng lại, một số nhân vật phải ra hầu tòa, nhưng những gì đã mất đi thì ... nhà nước (và nhân dân, mà đúng hơn là chỉ có nhân dân) phải ráng chịu! Có thể đọc thêm ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81_%C3%A1n_112.

Tôi cũng nhớ trong lãnh vực giáo dục thì hình như Bộ Giáo dục cũng có một giai đoạn kêu gọi xây dựng học liệu mở (open courseware), cũng là một phần của phong trào OER nói trên. Tôi cũng đã từng nhìn thấy trên trang web của Bộ Giáo dục một nguồn tài liệu (giáo trình) mở như thế, không nhiều lắm nhưng cũng được sắp xếp theo các môn học và trình độ, nhưng hình như không có mấy tác dụng đến ai cả và cho đến nay mọi việc đã đi đến đâu thì cũng chẳng ai rõ.

Bản thân tôi cũng là một người rất mê phong trào OER cũng như việc ứng dụng ICT (công nghệ thông tin - truyền thông trong giáo dục), và thậm chí đã làm vài ba công trình khoa học nhằm ứng dụng IT trong lãnh vực kiểm tra-đánh giá, thi cử tiếng Anh hồi còn ở trường ĐHKHXH-NV. Từ lâu tôi đã muốn khai thác những nguồn tài liệu bằng tiếng Anh này để giúp người học VN vừa nâng cao trình độ tiếng Anh, vừa học hỏi thêm nhiều điều, mở rộng tầm mắt, có thêm kiến thức, kỹ năng vv để có thể hiểu biết hơn, có nhiều kỹ năng hơn, hiểu biết hơn, sống tốt hơn. Nhưng lực bất tòng tâm, điều kiện không cho phép, nên cũng chỉ biết muốn mà thôi!

Hôm nay, nhân ngồi tìm tài liệu để xây dựng một số môn học, tôi lại tìm đến những nguồn tài liệu này, và thấy thực sự tiếc rẻ nếu như những nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và sẵn có này không được người VN khai thác. Tôi trộm nghĩ, nếu các giảng viên đại học của VN mà có đủ tiếng Anh (tôi chỉ nói những người ở mức trung bình, không dám động đến những vị được đào tạo tới nơi tới chốn từ phương tây, có bằng cấp và học vị cao, và là "đồ thật", không phải hàng giả), thì có lẽ chỉ cần sử dụng những tài liệu miễn phí này để dạy thôi, cũng đã có thể giúp nâng chất lượng của nền giáo dục của VN lên kha khá rồi đấy.

Vì nghĩ như vậy, nên tôi mở chuỗi (thread) bài về OER nhằm giới thiệu dần các nguồn tài liệu hữu ích đến cho mọi người sử dụng. Riêng hôm nay, vì là bài mở đầu nên tôi chưa giới thiệu bất cứ nguồn tài liệu nào, mà chỉ mới giới thiệu phong trào đến với các bạn mà thôi. Tuy nhiên, nếu các bạn sốt ruột thì có thể vào trang wikipidia mà tôi đã dẫn ở trên, nhìn phần cuối (links) sẽ có nhiều đường dẫn đến những nguồn tài liệu ấy. Và xin giới thiệu một nguồn mà tôi rất hay sử dụng, đó là Bookboon. Bạn cứ gõ Bookboon và google search, sẽ ra ngay thôi!

Hẹn các bạn ở những bài sau nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét