Hôm nay ngồi dọn dẹp, sắp xếp lại các file trong máy tính, chợt tìm thấy bài viết mà tôi đã viết từ năm 2008. Bài viết 5 năm rồi nhưng nhiều nội dung tôi thấy vẫn còn cập nhật. Bài chưa đăng ở đâu cả, chỉ viết định để gửi cho một hội thảo, nhưng rồi quá hạn, không gửi. Nay đăng lại ở đây để chia sẻ với mọi người.
-------
-------
Giáo dục đại học Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa: “Sự thu hút của trường đại học” và nạn thất thoát chất xám (brain drain)
Phương Anh
(Tháng 2/2008)
Toàn cầu hóa đang là xu thế tất yếu của giáo dục đại học, và những tác động tích cực cũng như tiêu cực của nó đang ảnh hưởng mọi quốc gia và mọi cá nhân. Các tác động này tất nhiên không đồng đều, mà ở những mức độ khác nhau cho từng cá nhân, từng khu vực địa lý, từng nhóm xã hội, và từng dân tộc khác nhau, theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng” – tức người giàu lại càng giàu hơn và người nghèo thì có nguy cơ bị làm nghèo đi. Tưởng cũng cần nhắc lại những điều đã được cảnh báo từ cuối thế kỷ trước về tác động của quá trình toàn cầu hóa:
Toàn cầu hóa | |
Mang lại lợi ích cho | Có hại cho |
Châu Âu, Nhật, Bắc Mỹ | Nhiều nước đang phát triển |
Đông Á và Đông Nam Á | Hầu như toàn bộ Châu Phi |
Sản lượng đầu ra | Việc làm |
Người có nguồn lực (asset) | Người không có nguồn lực |
Lợi nhuận | Lương |
Người có nhiều kỹ năng | Người có ít kỹ năng |
Người có học | Người ít học |
Giới chuyên môn, giới quản lý, và kỹ thuật | Giai cấp công nhân |
Người có tính thích ứng cao | Người ít khả năng thích ứng |
Kẻ cho vay | Người mắc nợ |
Những người không phụ thuộc vào các dịch vụ công cộng | Những người phải phụ thuộc vào các dịch vụ công cộng |
Các công ty lớn | Các công ty nhỏ |
Đàn ông | Phụ nữ, trê em |
Người mạnh | Kẻ yếu |
Người dám mạo hiểm | Người quá thận trọng |
Thị trường toàn cầu | Cộng đồng dân cư địa phương |
Người bán những sản phẩm công nghệ cao | Người bán các sản phẩm thiết yếu và sản xuất đại trà |
Nguồn: Jensen 1998 |
Trong lãnh vực giáo dục đại học, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia được thể hiện rõ qua số lượng sinh viên nước ngoài vào học ở một quốc gia khác. Dòng chảy sinh viên quốc tế hiện nay đã được xác định rõ theo hướng xuất phát từ nước kém phát triển để vào các nước phát triển hơn, trong đó nếu không kể những dòng chảy trong nội bộ của từng khu vực (chẳng hạn, giữa các nước khác nhau trong khu vực Đông Nam Á, hoặc trong Cộng đồng Châu Âu), thì trung tâm cung cấp sinh viên quốc tế hiện nay là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, còn các trung tâm tiếp nhận sinh viên quốc tế là Nhật, Úc, Châu Âu, và Bắc Mỹ, trong đó đứng đầu là nước Mỹ, như trong sơ đồ dưới đây:
(Nguồn: Marginson 2004)
Với tư cách là đất nước có sức thu hút lớn nhất đối với sinh viên quốc tế, Mỹ được xem là điểm đến số một của các sinh viên tiềm năng của Việt Nam. Số lượng du học sinh Việt Nam đến Mỹ trong những năm gần đây tăng lên đều đặn. Theo các báo cáo của IIE , nếu như năm 2006 Việt Nam xếp hạng thứ 26 trong số các nước có sinh viên du học tại Mỹ, thì chỉ sau một năm,Việt Nam đã lọt vào danh sách 20 nước có số sinh viên du học ở Mỹ đông nhất. Ngoài Mỹ, các nước phát triển khác cũng thu hút nhiều sinh viên đến học, trong đó phải kể là Australia, Nhật, Trung Quốc và nhiều nước Châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, vv. Có thể nói, sinh viên Việt Nam có mặt ở tất cả các trung tâm tiếp nhận sinh viên quốc tế.
Một trong những hệ quả tất yếu của dòng chảy sinh viên từ Việt Nam sang các nước phát triển khác là sự “thất thoát chất xám” (brain drain) về phía Việt Nam và sự “thu hút chất xám” (brain gain) của các nước tiếp nhận, ít ra là trong thời gian đầu. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu chính thức nào về tỷ lệ trở về của du học sinh Việt Nam sau khi hoàn tất việc học ở nước ngoài, nhưng nếu dựa vào kinh nghiệm của Trung Quốc để ước tính thì chỉ có khoảng 30% sinh viên về nước, tức cứ 3 người tốt nghiệp ở nước ngoài thì 2 người ở lại để bổ sung thêm nhân lực được đào tạo cho nước tiếp nhận, và chỉ có 1 người trở về (J Cheng,Higher Education in China: An Overview; 2006). Nói cách khác, mỗi khi Việt Nam bổ sung thêm cho mình được 1 nhân lực được đào tạo từ nước ngoài về phục vụ sự phát triển của đất nước thì lúc ấy ở khu vực các nước phát triển cũng đương nhiên được bổ sung thêm 2 người, tức khoảng cách về nhân lực có trình độ giữa Việt Nam và thế giới không giảm hề giảm đi mà lại tăng thêm! Đáng nói hơn, xu thế này trong thời gian trước mắt không hề có dấu hiệu giảm đi mà ngược lại còn có thể tăng lên khi một số nước trong khu vực như Singapore, Mã Lai, Thái Lan vv đang vươn lên trở thành những điểm tiếp nhận sinh viên quốc tế mới với mức chi phí thấp hơn nhiều so với các trung tâm tiếp nhận sinh viên truyền thống, để tiếp tục thu hút tinh túy chất xám của Việt Nam bổ sung cho nguồn nhân lực chất lượng cao của các nước này.
Một quốc gia như Việt Nam cần có chiến lược ra sao để ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và tụt hậu về nhân lực có trình độ trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay? Theo nghiên cứu được công bố năm 2005 tại Vương quốc Anh của Skeldon thuộc Trung tâm nghiên cứu triển khai về các vấn đề di dân, toàn cầu hóa và đói nghèo, sự thất thoát chất xám tạm thời này hoàn toàn có thể được đảo ngược nếu có những điều kiện cần thiết tối thiểu để tạo ra sự thu hút ngược. Sử dụng ngôn ngữ của bài viết này, có thể nói vấn đề được đặt ra cho giáo dục đại học của Việt Nam nói riêng và của các nước đang phát triển nói chung là làm thế nào để có thể tăng “sức thu hút của các trường đại học”, trước hết là đối với chính các sinh viên mà mình đã để vuột mất (bằng cách tạo điều kiện cho họ trở về làm việc), rồi đến các sinh viên tiềm năng trong nước (thông qua việc lựa chọn học trong nước thay vì đi học ở nước ngoài), để rồi có thể dần vươn lên trở thành một điểm tiếp nhận sinh viên quốc tế mới.
Như vậy, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là ngành giáo dục của Việt Nam đang làm gì để tăng sức thu hút của giáo dục đại học Việt Nam, trước hết là ngay chính với các sinh viên tiềm năng cũng như những sinh viên đã bị vuột mất của mình. Phải nói rằng trong thời gian qua, chính phủ Việt Nam nói chung và lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam nói riêng đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện việc này, trong đó hai nỗ lực mang tính chiến lược cao nhất phải kể là việc đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng tại mọi cấp và bậc học mà quan trọng nhất việc ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng trường đại học và cao đẳng của Việt Nam; việc xây dựng và triển khai kế hoạch xây dựng một số trường đại học đạt tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, để các nỗ lực nêu trên thực sự phát huy được tác dụng, dựa trên kinh nghiệm phát triển của giáo dục đại học của các nước trên thế giới, nhóm tác giả bài viết này cho rằng phải có một số điều kiện cần thiết mà theo đánh giá của chúng tôi là hiện nay vẫn chưa có: (1) tính độc lập, khách quan, và trách nhiệm giải trình của chính các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (2) tính tự chủ, ít ra là tự chủ về mặt học thuật của các cơ sở đào tạo; và (3) quan trọng hơn hết, là quyền được lựa của chính các sinh viên.
Chỉ đến khi nào các cơ quan kiểm định chất lượng không còn nằm trong Bộ Giáo dục và Đào tạo và chịu sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, chỉ khi nào mà các cơ sở đào tạo – và triệt để hơn nữa là từng giảng viên – có toàn quyền quyết định về chương trình đào tạo sao cho đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường một cách tốt nhất – tất nhiên là trong khuôn khổ của luật pháp và quy định của ngành, và đặc biệt là chỉ khi nào mà người học có đầy đủ quyền chọn lựa của mình đối với việc tham gia học đại học – chẳng hạn, không bị buộc phải thi vào những ngành không phù hợp với khả năng chỉ vì những ngành mình muốn học có quá ít chỗ học; không bị buộc học những môn học không hề đáp ứng định hướng nghề nghiệp chuyên môn của mình sau này chỉ đơn giản vì … không có lựa chọn nào khác, thì giáo dục đại học của Việt Nam mới có thể tăng cường khả năng thu hút của mình và bắt đầu cuộc hành trình xây dựng thương hiệu đại học Việt Nam, để giáo dục đại học Việt Nam làm tốt vai trò là cỗ máy cái đào tạo nhân lực cho đất nước có thể tồn tại và cạnh tranh trong thời đại toàn cầu hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét