Bài viết này của tôi vừa được đăng trên trang điện tử của Tạp chí Tia Sáng, ở đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6495&CategoryID=6. Nay tôi đưa về đây để lưu, và để chia sẻ với các bạn đọc thường xuyên của blog này.
-------------------
Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học
của Ngân hàng Thế giới
-------------------
Xây dựng đại học đẳng cấp thế giới ở Việt Nam: Làm gì để tăng tốc?
Vũ Thị Phương Anh |
Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học
của Ngân hàng Thế giới
Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới, đưa ra công thức để đạt đến thành công của một đại học đẳng cấp thể giới gồm ba yếu tố, được xếp theo thứ tự là: sự tập trung về tài năng, nguồn lực tài chính dồi dào, và cơ chế quản trị hiệu quả.
Xây dựng một nền giáo dục đại học vững mạnh trong đó có một vài ngôi trường đạt “đẳng cấp thế giới” vừa là ước vọng vừa là mục tiêu phấn đấu của hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, và được cho là điều kiện tối cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của một quốc gia trong nền kinh tế tri thức ngày nay. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã theo đuổi ước vọng này bằng một chiến lược phát triển song song: vừa tiếp tục đầu tư ở mức cao cho những trường trọng điểm quốc gia, vừa cho thiết lập và vận hành 4 trường đại học mới theo mô hình giáo dục của các nước tiên tiến. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2020 phải có ít nhất một trường lọt vào danh sách các trường hàng đầu trong một bảng xếp hạng danh tiếng.Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn đúng 7 năm rưỡi nữa là chạm đến điểm cuối cùng của mốc thời gian đã định sẵn. Tuy nhiên, có thể thấy khả năng đạt được mục tiêu nói trên là không dễ dàng. Hơn lúc nào hết, đây là lúc mà Việt Nam cần nhìn nhận lại những gì đã thực hiện trên cơ sở xem xét những kinh nghiệm quốc tế để tìm ra bí quyết nhằm tăng tốc việc hiện thực hóa ước vọng nói trên.
Yếu tố thành công của một “trường ĐH có đẳng cấp”: Tài chính, quản trị hay tài năng?
Theo Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới, đưa ra vào năm 2007, công thức để đạt đến thành công của một đại học đẳng cấp thể giới chỉ vỏn vẹn có 3 yếu tố, được Salmi xếp theo thứ tự là: sự tập trung về tài năng, nguồn lực tài chính dồi dào, và cơ chế quản trị hiệu quả. Vậy trong ba yếu tố này, liệu yếu tố nào là cốt lõi cho sự thành công?
Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, yếu tố “nguồn lực tài chính dồi dào” luôn là điều đáng quan tâm và lo lắng hơn cả. Bởi, ai cũng biết kinh phí hoạt động hằng năm của các trường có đẳng cấp thế giới là hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, trên thực tế điều này lại không đến nỗi khó khăn như ta tưởng. Các tổ chức tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng cho các nước vay đầu tư vào giáo dục đại học nếu họ đánh giá rằng đây là một nước có tiềm năng. Việt Nam là một trong những nước được chọn để cho vay như vậy.
Với quan điểm rằng đầu tư vào giáo dục mà đặc biệt là giáo dục đại học luôn là một đầu tư sinh lợi, mối quan tâm lớn nhất của các tổ chức cho vay này là nguồn vốn đầu tư được sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Với quan điểm đó, đối với họ thì yếu tố thứ ba – “cơ chế quản trị hiệu quả” – mới chính là bí quyết giúp một trường đại học có thể bước vào “câu lạc bộ của những người có đẳng cấp”. Vì vậy, một trong những khuyến cáo quan trọng của Ngân hàng Thế giới với những quốc gia đối tác là phải thực hiện những cải cách phù hợp, trong trường hợp này là cải cách về quản trị đại học. Đó cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong vài thập niên qua, dù mức độ thành công của những cải cách này vẫn còn cần những tổng kết và đánh giá chuyên nghiệp hơn những gì đã được công bố hiện nay.
Yếu tố còn lại, “sự tập trung về tài năng” - được hiểu là tài năng của cả giảng viên lẫn sinh viên – dù được Salmi liệt kê đầu tiên và hiển nhiên phải là yếu tố quan trọng nhất, lại không làm mọi người quá lo lắng. Dường như nhiều người tin rằng để có được các trường đại học đẳng cấp thì đầu tiên chỉ cần nỗ lực để có những ngôi trường được đầu tư tử tế về cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính dồi dào, cùng một cơ chế quản trị tiên tiến trong đó tự do học thuật của giảng viên được tôn trọng, giảng viên được tham gia vào quá trình ra quyết định của nhà trường và được đãi ngộ xứng đáng. Khi đã có được những điều này thì người ta cho rằng đương nhiên các trường sẽ thu hút được nhiều giảng viên giỏi đến làm việc, và với một trường vừa có cơ sở vật chất tốt, vừa có giảng viên giỏi thì hẳn sẽ dễ dàng thu hút được những sinh viên có tài năng sáng chói nhất. Như vậy, sản phẩm đào tạo của trường – các sinh viên tốt nghiệp – đương nhiên sẽ được xã hội hân hoan đón nhận, sẽ thăng tiến trong nghề nghiệp và về lâu về dài sẽ đóng góp vào việc xây dựng danh tiếng cho trường.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy thực tế hoàn toàn không phải cứ có nguồn lực dồi dào, có cơ chế quản trị tốt là sẽ thu hút được tài năng, đặc biệt là nguồn tài năng trẻ, kế cận. Ngay cả đối với những trường danh tiếng hàng đầu thế giới nơi số sinh viên muốn vào học gạt ra không hết thì việc thu hút tài năng vẫn luôn là một mục tiêu hàng đầu*. Không phải là ngẫu nhiên mà Salmi lại đưa yếu tố tài năng lên thành yếu tố đầu tiên trong danh sách. Và cũng không ngẫu nhiên khi các trường đại học danh tiếng của các nước tiên tiến trên thế giới luôn có những chương trình học bổng và tài trợ nghiên cứu hấp dẫn cho sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Với những tiêu chí lựa chọn khắt khe, các tài trợ này chủ yếu nhằm để thu hút nguồn tài năng từ khắp thế giới. Chính những tài năng trẻ từ các nguồn đào tạo đa dạng này mới có thể tạo ra được một cộng đồng khoa học với nhiều góc nhìn đa dạng và những ý tưởng mới mẻ, một điều kiện không thể thiếu của một trường thuộc hàng đẳng cấp. Vì suy cho cùng sứ mạng của mọi trường đại học có đẳng cấp đều là thu hút, nuôi dưỡng, sử dụng – gộp chung lại là phát triển tài năng. Tài năng – đó mới thực sự là bí quyết thành công của các trường đẳng cấp thế giới, và để thành công trong việc phát triển tài năng, các điều kiện về cơ sở vật chất dồi dào và cơ chế quản trị hiệu quả vẫn chưa phải là điều kiện đủ.
(Chú thích 1: Mấy từ in nghiêng trong đoạn trên đây là do tôi mới biên tập lại và thêm một vài câu cho rõ theo góp ý của anh GNLT ở An Giang; phần này khác với bản đã đăng trên Tia Sáng.)
Trường đại học như một môi trường phát triển tài năng: Môi trường bên ngoài và các yếu tố tăng tốc
Ngoài hai điều kiện đã nêu ở trên là nguồn lực dồi dào và cơ chế quản trị hiệu quả, còn một yếu tố khác mà chúng ta không thể quên, đó là yếu tố thời gian. Sẽ cần bao nhiêu năm để một chương trình đào tạo hoặc nghiên cứu, một bộ môn, một khoa hoặc một trường mới được thành lập – giả định rằng chúng có mọi điều kiện hoàn hảo để hoạt động – khẳng định được hiệu quả, tác động và danh tiếng của mình đối với xã hội? Câu trả lời chính xác thì không ai biết, nhưng chắc chắn là đơn vị để tính phải là hàng thập niên. Các chính sách quản lý của những người lãnh đạo các trường đại học ít khi đem đến thành công ngay lập tức, mà thường phải sau hơn một nhiệm kỳ thì những sáng kiến cải tiến hoặc đường lối, chủ trương do họ đưa ra mới có thể thấy được kết quả tác động. Và không phải ngẫu nhiên mà tất cả những ngôi trường hàng đầu thế giới hiện nay đều có lịch sử tồn tại và phát triển đến vài thế kỷ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận chờ một cách thụ động, mà có thể học tập kinh nghiệm của một số các quốc gia “nhanh chân” hơn các nước khác trong cuộc đua “đẳng cấp thế giới, và tránh mắc phải sai lầm của những nước chậm tiến hơn, thậm chí đi nửa chừng lại ngưng rồi khởi động lại từ điểm xuất phát. Trong một công bố gần đây về giáo dục đại học ở châu Mỹ Latin, Salmi đã đúc kết những điều kiện về môi trường bên ngoài và những yếu tố tăng tốc cho sự phát triển của các trường đại học thuộc các quốc gia là những thành viên mới của “câu lạc bộ đẳng cấp thế giới” này. Xin trình bày lại dưới đây theo hai nhóm chính: nhóm môi trường bên ngoài và nhóm yếu tố tăng tốc.
Về môi trường bên ngoài, hay gọi chính xác theo ngôn ngữ của Salmi là “môi trường sinh thái của giáo dục đại học”, tác giả cho rằng để có các trường đẳng cấp thế giới thì ở cấp vĩ mô sẽ cần phải có một môi trường kinh tế chính trị ổn định và phát triển, có tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law) và sự bảo đảm các quyền tự do căn bản của trí thức, sự tự chủ của các trường đại học, đảm bảo kinh phí hoạt động và sự an toàn của những người hoạt động trong môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, cần có một môi trường thông tin truyền thông số hiện đại, cập nhật, và cuối cùng là một yêu cầu rất bình thường nhưng không kém quan trọng là vị trí địa lý phù hợp để đặt những ngôi trường có mục tiêu đạt đẳng cấp quốc tế. Điều này rất cần thiết vì các trường có đẳng cấp nhất thiết phải có vị trí thuận lợi (về mặt giao thương, về nguồn nhân lực, và về sự tập trung của các ngành công nghiệp) để có thể thu hút tài năng từ khắp các địa phương, các vùng và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu môi trường bên ngoài của Việt Nam hiện nay có là một môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự hình thành các trường đại học đẳng cấp thế giới chưa, hay ngược lại đang là một rào cản?*
(Chú thích 2: Phần in nghiêng ở trên đây cũng do tôi mới thêm vào, và không có trong bản đã đăng trên Tia Sáng.)
Về các yếu tố tăng tốc, Salmi cho rằng những quốc gia “nhanh chân” trong cuộc đua đẳng cấp thế giới đều có áp dụng một hay nhiều trong số 5 biện pháp sau đây:
Thu hút sự trở về của nguồn chất xám trong nước đã từng ra đi và thành công ở các nước tiên tiến, nhằm hỗ trợ xây dựng/cải cách một ngành đào tạo, một chương trình nghiên cứu, một trường đại học trong nước, v.v. Đây là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng khá thành công trong những năm qua, với kết quả được cả thế giới khâm phục.
Sử dụng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp trong các trường đại học để tạo ra một môi trường quốc tế thực thụ thu hút các tài năng trên toàn thế giới và tạo ra một cộng đồng khoa học đa dạng và mới mẻ. Đây chính là điều kiện thành công của Singapore, đồng thời cũng là một chiến lược tăng tốc được Malaysia áp dụng khá thành công.
Tập trung vào các ngành khoa học và kỹ thuật (science and engineering) là những ngành có sự gắn kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp để nhanh chóng tạo được một “nguồn lực đóng vai trò quyết định” (critical mass) cho sự phát triển xã hội. Đây chính là chiến lược mà các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng thành công từ những thập niên cuối của thiên niên kỷ trước, và sau đó là Singapore và Malaysia.
Thiết lập một quy trình đối sánh (benchmarking) quốc gia và quốc tế để đo lường và theo dõi hoạt động của các trường một tương đối định lượng và khoa học. Nói cách khác, đây là việc áp dụng một cách có lựa chọn và có phản biện các hệ thống xếp hạng trong và ngoài nước để từ đó biết được hiệu suất hoạt động của từng trường so với mục tiêu đề ra và so với các đối thủ cạnh tranh. Chiến lược này hiện đang được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau.
Chú trọng cải thiện chương trình và đổi mới phương pháp giảng dạy ở đại học để tạo nguồn phát triển tài năng. Đây chính là một yếu tố tăng tốc căn bản nhất và có giá trị bền vững nhất trong cuộc đua đẳng cấp thế giới, nhưng thường khi lại bị bỏ sót vì sự “âm thầm” và “thường nhật” của nó – như người ta hay nói, giống như không khí, người ta chỉ nhận ra sự hiện diện của nó khi nó không còn hiện diện!
Những phát hiện và đúc kết của tác giả Salmi là nhằm mục đích tư vấn cho các nước đang phát triển của châu Mỹ Latin, nhưng cũng hoàn toàn phù hợp cho các quốc gia khác như Việt Nam. Mặc dù mốc thời gian 2020 đã rất gần và có thể chúng ta sẽ không đạt mục tiêu có một vài trường lọt vào top 200 của thế giới, nhưng một sự nhìn nhận lại để đi tới là rất cần thiết vào lúc này, vì Việt Nam không được phép dừng lại trong cuộc đua “đẳng cấp thế giới”. Một sự dừng lại vào lúc này cũng có nghĩa là nền giáo dục đại học của Việt Nam đã chịu thua trong sự nghiệp “phát triển tài năng” của đất nước, để mặc những tài năng này lưu lạc cho các trường nước ngoài thu hút, nuôi dưỡng, và sử dụng để cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Lẽ nào chúng ta lại chấp nhận như thế?
Tài liệu tham khảo
Sadlak, J and Liu, Nan Cai (Eds) (2009). The world-class university as part of a new higher education paradigmn: From institutional qualities to systemic excellence. Bucharest: UNESCO-CEPES.
Salmi, J (2013). “Daring to soar: A strategy for developing world-class universities in Chile”. In Pensaminento Educativo. Revista de Investigacion Educacional Latinoamericana 2013, 50(1), 130-146.
Yếu tố thành công của một “trường ĐH có đẳng cấp”: Tài chính, quản trị hay tài năng?
Theo Jamil Salmi, chuyên gia giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới, đưa ra vào năm 2007, công thức để đạt đến thành công của một đại học đẳng cấp thể giới chỉ vỏn vẹn có 3 yếu tố, được Salmi xếp theo thứ tự là: sự tập trung về tài năng, nguồn lực tài chính dồi dào, và cơ chế quản trị hiệu quả. Vậy trong ba yếu tố này, liệu yếu tố nào là cốt lõi cho sự thành công?
Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, yếu tố “nguồn lực tài chính dồi dào” luôn là điều đáng quan tâm và lo lắng hơn cả. Bởi, ai cũng biết kinh phí hoạt động hằng năm của các trường có đẳng cấp thế giới là hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, trên thực tế điều này lại không đến nỗi khó khăn như ta tưởng. Các tổ chức tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẵn sàng cho các nước vay đầu tư vào giáo dục đại học nếu họ đánh giá rằng đây là một nước có tiềm năng. Việt Nam là một trong những nước được chọn để cho vay như vậy.
Với quan điểm rằng đầu tư vào giáo dục mà đặc biệt là giáo dục đại học luôn là một đầu tư sinh lợi, mối quan tâm lớn nhất của các tổ chức cho vay này là nguồn vốn đầu tư được sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Với quan điểm đó, đối với họ thì yếu tố thứ ba – “cơ chế quản trị hiệu quả” – mới chính là bí quyết giúp một trường đại học có thể bước vào “câu lạc bộ của những người có đẳng cấp”. Vì vậy, một trong những khuyến cáo quan trọng của Ngân hàng Thế giới với những quốc gia đối tác là phải thực hiện những cải cách phù hợp, trong trường hợp này là cải cách về quản trị đại học. Đó cũng là điều mà Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong vài thập niên qua, dù mức độ thành công của những cải cách này vẫn còn cần những tổng kết và đánh giá chuyên nghiệp hơn những gì đã được công bố hiện nay.
Yếu tố còn lại, “sự tập trung về tài năng” - được hiểu là tài năng của cả giảng viên lẫn sinh viên – dù được Salmi liệt kê đầu tiên và hiển nhiên phải là yếu tố quan trọng nhất, lại không làm mọi người quá lo lắng. Dường như nhiều người tin rằng để có được các trường đại học đẳng cấp thì đầu tiên chỉ cần nỗ lực để có những ngôi trường được đầu tư tử tế về cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính dồi dào, cùng một cơ chế quản trị tiên tiến trong đó tự do học thuật của giảng viên được tôn trọng, giảng viên được tham gia vào quá trình ra quyết định của nhà trường và được đãi ngộ xứng đáng. Khi đã có được những điều này thì người ta cho rằng đương nhiên các trường sẽ thu hút được nhiều giảng viên giỏi đến làm việc, và với một trường vừa có cơ sở vật chất tốt, vừa có giảng viên giỏi thì hẳn sẽ dễ dàng thu hút được những sinh viên có tài năng sáng chói nhất. Như vậy, sản phẩm đào tạo của trường – các sinh viên tốt nghiệp – đương nhiên sẽ được xã hội hân hoan đón nhận, sẽ thăng tiến trong nghề nghiệp và về lâu về dài sẽ đóng góp vào việc xây dựng danh tiếng cho trường.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy thực tế hoàn toàn không phải cứ có nguồn lực dồi dào, có cơ chế quản trị tốt là sẽ thu hút được tài năng, đặc biệt là nguồn tài năng trẻ, kế cận. Ngay cả đối với những trường danh tiếng hàng đầu thế giới nơi số sinh viên muốn vào học gạt ra không hết thì việc thu hút tài năng vẫn luôn là một mục tiêu hàng đầu*. Không phải là ngẫu nhiên mà Salmi lại đưa yếu tố tài năng lên thành yếu tố đầu tiên trong danh sách. Và cũng không ngẫu nhiên khi các trường đại học danh tiếng của các nước tiên tiến trên thế giới luôn có những chương trình học bổng và tài trợ nghiên cứu hấp dẫn cho sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Với những tiêu chí lựa chọn khắt khe, các tài trợ này chủ yếu nhằm để thu hút nguồn tài năng từ khắp thế giới. Chính những tài năng trẻ từ các nguồn đào tạo đa dạng này mới có thể tạo ra được một cộng đồng khoa học với nhiều góc nhìn đa dạng và những ý tưởng mới mẻ, một điều kiện không thể thiếu của một trường thuộc hàng đẳng cấp. Vì suy cho cùng sứ mạng của mọi trường đại học có đẳng cấp đều là thu hút, nuôi dưỡng, sử dụng – gộp chung lại là phát triển tài năng. Tài năng – đó mới thực sự là bí quyết thành công của các trường đẳng cấp thế giới, và để thành công trong việc phát triển tài năng, các điều kiện về cơ sở vật chất dồi dào và cơ chế quản trị hiệu quả vẫn chưa phải là điều kiện đủ.
(Chú thích 1: Mấy từ in nghiêng trong đoạn trên đây là do tôi mới biên tập lại và thêm một vài câu cho rõ theo góp ý của anh GNLT ở An Giang; phần này khác với bản đã đăng trên Tia Sáng.)
Trường đại học như một môi trường phát triển tài năng: Môi trường bên ngoài và các yếu tố tăng tốc
Ngoài hai điều kiện đã nêu ở trên là nguồn lực dồi dào và cơ chế quản trị hiệu quả, còn một yếu tố khác mà chúng ta không thể quên, đó là yếu tố thời gian. Sẽ cần bao nhiêu năm để một chương trình đào tạo hoặc nghiên cứu, một bộ môn, một khoa hoặc một trường mới được thành lập – giả định rằng chúng có mọi điều kiện hoàn hảo để hoạt động – khẳng định được hiệu quả, tác động và danh tiếng của mình đối với xã hội? Câu trả lời chính xác thì không ai biết, nhưng chắc chắn là đơn vị để tính phải là hàng thập niên. Các chính sách quản lý của những người lãnh đạo các trường đại học ít khi đem đến thành công ngay lập tức, mà thường phải sau hơn một nhiệm kỳ thì những sáng kiến cải tiến hoặc đường lối, chủ trương do họ đưa ra mới có thể thấy được kết quả tác động. Và không phải ngẫu nhiên mà tất cả những ngôi trường hàng đầu thế giới hiện nay đều có lịch sử tồn tại và phát triển đến vài thế kỷ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận chờ một cách thụ động, mà có thể học tập kinh nghiệm của một số các quốc gia “nhanh chân” hơn các nước khác trong cuộc đua “đẳng cấp thế giới, và tránh mắc phải sai lầm của những nước chậm tiến hơn, thậm chí đi nửa chừng lại ngưng rồi khởi động lại từ điểm xuất phát. Trong một công bố gần đây về giáo dục đại học ở châu Mỹ Latin, Salmi đã đúc kết những điều kiện về môi trường bên ngoài và những yếu tố tăng tốc cho sự phát triển của các trường đại học thuộc các quốc gia là những thành viên mới của “câu lạc bộ đẳng cấp thế giới” này. Xin trình bày lại dưới đây theo hai nhóm chính: nhóm môi trường bên ngoài và nhóm yếu tố tăng tốc.
Về môi trường bên ngoài, hay gọi chính xác theo ngôn ngữ của Salmi là “môi trường sinh thái của giáo dục đại học”, tác giả cho rằng để có các trường đẳng cấp thế giới thì ở cấp vĩ mô sẽ cần phải có một môi trường kinh tế chính trị ổn định và phát triển, có tinh thần thượng tôn pháp luật (rule of law) và sự bảo đảm các quyền tự do căn bản của trí thức, sự tự chủ của các trường đại học, đảm bảo kinh phí hoạt động và sự an toàn của những người hoạt động trong môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, cần có một môi trường thông tin truyền thông số hiện đại, cập nhật, và cuối cùng là một yêu cầu rất bình thường nhưng không kém quan trọng là vị trí địa lý phù hợp để đặt những ngôi trường có mục tiêu đạt đẳng cấp quốc tế. Điều này rất cần thiết vì các trường có đẳng cấp nhất thiết phải có vị trí thuận lợi (về mặt giao thương, về nguồn nhân lực, và về sự tập trung của các ngành công nghiệp) để có thể thu hút tài năng từ khắp các địa phương, các vùng và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Câu hỏi đặt ra ở đây là: liệu môi trường bên ngoài của Việt Nam hiện nay có là một môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự hình thành các trường đại học đẳng cấp thế giới chưa, hay ngược lại đang là một rào cản?*
(Chú thích 2: Phần in nghiêng ở trên đây cũng do tôi mới thêm vào, và không có trong bản đã đăng trên Tia Sáng.)
Về các yếu tố tăng tốc, Salmi cho rằng những quốc gia “nhanh chân” trong cuộc đua đẳng cấp thế giới đều có áp dụng một hay nhiều trong số 5 biện pháp sau đây:
Thu hút sự trở về của nguồn chất xám trong nước đã từng ra đi và thành công ở các nước tiên tiến, nhằm hỗ trợ xây dựng/cải cách một ngành đào tạo, một chương trình nghiên cứu, một trường đại học trong nước, v.v. Đây là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng khá thành công trong những năm qua, với kết quả được cả thế giới khâm phục.
Sử dụng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp trong các trường đại học để tạo ra một môi trường quốc tế thực thụ thu hút các tài năng trên toàn thế giới và tạo ra một cộng đồng khoa học đa dạng và mới mẻ. Đây chính là điều kiện thành công của Singapore, đồng thời cũng là một chiến lược tăng tốc được Malaysia áp dụng khá thành công.
Tập trung vào các ngành khoa học và kỹ thuật (science and engineering) là những ngành có sự gắn kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp để nhanh chóng tạo được một “nguồn lực đóng vai trò quyết định” (critical mass) cho sự phát triển xã hội. Đây chính là chiến lược mà các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng thành công từ những thập niên cuối của thiên niên kỷ trước, và sau đó là Singapore và Malaysia.
Thiết lập một quy trình đối sánh (benchmarking) quốc gia và quốc tế để đo lường và theo dõi hoạt động của các trường một tương đối định lượng và khoa học. Nói cách khác, đây là việc áp dụng một cách có lựa chọn và có phản biện các hệ thống xếp hạng trong và ngoài nước để từ đó biết được hiệu suất hoạt động của từng trường so với mục tiêu đề ra và so với các đối thủ cạnh tranh. Chiến lược này hiện đang được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau.
Chú trọng cải thiện chương trình và đổi mới phương pháp giảng dạy ở đại học để tạo nguồn phát triển tài năng. Đây chính là một yếu tố tăng tốc căn bản nhất và có giá trị bền vững nhất trong cuộc đua đẳng cấp thế giới, nhưng thường khi lại bị bỏ sót vì sự “âm thầm” và “thường nhật” của nó – như người ta hay nói, giống như không khí, người ta chỉ nhận ra sự hiện diện của nó khi nó không còn hiện diện!
Những phát hiện và đúc kết của tác giả Salmi là nhằm mục đích tư vấn cho các nước đang phát triển của châu Mỹ Latin, nhưng cũng hoàn toàn phù hợp cho các quốc gia khác như Việt Nam. Mặc dù mốc thời gian 2020 đã rất gần và có thể chúng ta sẽ không đạt mục tiêu có một vài trường lọt vào top 200 của thế giới, nhưng một sự nhìn nhận lại để đi tới là rất cần thiết vào lúc này, vì Việt Nam không được phép dừng lại trong cuộc đua “đẳng cấp thế giới”. Một sự dừng lại vào lúc này cũng có nghĩa là nền giáo dục đại học của Việt Nam đã chịu thua trong sự nghiệp “phát triển tài năng” của đất nước, để mặc những tài năng này lưu lạc cho các trường nước ngoài thu hút, nuôi dưỡng, và sử dụng để cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Lẽ nào chúng ta lại chấp nhận như thế?
Tài liệu tham khảo
Sadlak, J and Liu, Nan Cai (Eds) (2009). The world-class university as part of a new higher education paradigmn: From institutional qualities to systemic excellence. Bucharest: UNESCO-CEPES.
Salmi, J (2013). “Daring to soar: A strategy for developing world-class universities in Chile”. In Pensaminento Educativo. Revista de Investigacion Educacional Latinoamericana 2013, 50(1), 130-146.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét